Series “Bàn chuyện Ngành, kể chuyện Nghề”

VNUK >Hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp >Series “Bàn chuyện Ngành, kể chuyện Nghề”

CHAPTER II: Covid có làm cho ngành Du lịch “ế việc”? Cần biến đổi bản thân thế nào để đánh bại biến thể Cô-vy?

 

Ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn (Tourism and Hospitality Management – THM) chắc có lẽ là ngành học khiến nhiều bạn học sinh và nhị vị phụ huynh quan tâm và lo lắng nhất hiện nay. Với sự xuất hiện của con virus xấu xí mà-ai-cũng-biết-là-gì-đấy thì các hoạt động du lịch bị trì trệ và đóng băng, kéo theo đó là sự cắt giảm nhân lực số lượng lớn toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Thời gian Covid đổ bộ quá lâu, đã 2 năm rồi, các bạn sợ ế việc trong hoàn cảnh này, cũng là điều dễ hiểu thôi.

Thế nhưng, liệu tình trạng này sẽ kéo dài mãi và ngành Du lịch và Khách sạn sẽ vĩnh viễn mất đi sự năng động và vị thế vốn có? Nếu bạn có đam mê với ngành học Quản trị và Du lịch khách sạn nhưng lại lo sợ về triển vọng của ngành này trong trạng thái “bình thường mới” thì hãy yên tâm là đã có VNUK Career Service sẵn sàng sắm vai hướng dẫn viên du lịch dắt các bạn lượn nhẹ một chuyến, làm sáng tỏ vài băn khoăn đây! Hy vọng các bạn sẽ an tâm hơn phần nào để tiếp tục đam mê và vững tin trên con đường chinh phục ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn nhé!

#1

Không vì sự tấn công của một bạn virus nhỏ xíu xiu với sức công phá bự bự mà ngành Du lịch chịu đầu hàng. Trong một kỷ nguyên phẳng của thời đại công nghệ 4.0, chúng ta đang sống trong một thế giới tuy chỉ phẳng lỳ và bé tí chỉ còn đúng bằng cái màn hình máy tính nhưng lại ẩn chứa vô vàn cơ hội và hướng đi mới cho nhân loại. Và ngành du lịch đã nhờ vào đó mà vẫn phát triển mạnh mẽ thông qua các nền tảng trực tuyến vô cùng xịn xò.

Nếu du khách muốn tìm hiểu ẩm thực đa dạng, phong phú lại đậm đà hương quê của “đất nước” Đà Nẵng, hay học hỏi cách chuẩn bị bữa sáng sang xịn mịn cho cả nhà; đừng lo vì đã có hàng triệu những food blogger đưa bạn đi khắp muôn nơi thông qua các video hướng dẫn nấu món này, xào món kia. Đây còn là cách làm “đẹp hóa” ngành ẩm thực vì các món ăn được bài trí rất đẹp mắt và mang dấu ấn riêng của Food Blogger. Nhờ đó mọi người được du lịch ẩm thực một cách an toàn vừa còn học được bí kíp trở thành một Master Chef tại gia.

Du lịch không chỉ về ẩm thực, mà còn là tìm hiểu văn hóa, lịch sử, xã hội của các nền văn minh. Thế thì làm thế nào khi mà chúng ta phải hạn chế đi đây đi đó, tụ tập đông người? Du lịch Thực tế ảo (Virtual Tour) chính là giải pháp. Nhờ cách sử dụng những công nghệ xịn xò để tái hiện không gian/địa điểm dưới dạng số hóa, các “virtual tourists” có thể thoải mái ngồi tại nhà cùng chiếc điện thoại hay ipad và khám phá những điều bí ẩn và hay ho của lịch sử, địa lý, v.v. Không chỉ được áp dụng trong Du lịch, đây còn là cách để chúng ta lưu giữ, bảo tồn những di tích nữa nhé. Như vậy thì với óc sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ siêu việt, ngành du lịch sợ gì ế việc nhỉ?

#2

Có thể nói ở hiện tại thì ngành Du lịch đang phải chịu một cú knock-out khá đau thương vì cô em Cô-vy. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai “quay trở lại và lợi hại hơn xưa” của ngành Du lịch, Khách sạn vì những lý do sau:

Đại dịch toàn cầu theo một góc nhìn khác, có lẽ là một cơ hội giúp cho nhiều người làm nghề Du lịch nhận giá trị và tầm quan trọng thật sự của du lịch nội địa. Trong trạng thái bình thường mới thì ngành công nghiệp không khói đã buộc phải chuyển mình, cơ cấu lại bộ máy vận hành, đưa ra nhiều hướng đi đổi mới, sáng tạo hơn để thích ứng với hành vi “xê dịch” mới của khách hàng. Khách hàng đang có xu hướng du lịch ngắn ngày hơn trước, đặt tour ngay trước khi khởi hành và chọn đi đường bộ nhiều hơn các phương tiện khác. Phân khúc khách hàng đi du lịch nước ngoài, giờ đây trở thành những khách hàng du lịch nội địa. Hay chuyển đổi số đã được xem là kim chỉ nam trong việc cung cấp thông tin an toàn và thú vị đến với mọi người. Hành vi và tâm lý của khách hàng thay đổi không ngừng. Vì vậy, việc chậm lại trong thời điểm này của ngành Du lịch, Khách sạn để cùng hiểu thấu, “refresh” bản thân để chuẩn bị cho những cải tổ, tiến bộ lớn hậu Covid hứa hẹn sẽ tạo ra những cú lội ngược dòng ngoạn mục cho ngành này.

Theo kết quả khảo sát của Booking.com cho thấy một kết quả thú vị từ một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 88% du khách Việt tiết lộ COVID-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn trong tương lai. Việc “bó gối” ở nhà nhìn thế giới qua những màn chiếc màn hình bé tin đã khiến nhiều người không phải là tín đồ du lịch cũng “thèm” được giải phóng đôi mắt của mình ra thế giới ngoài kia lắm rồi đấy. Cầu du lịch hậu Covid hứa hẹn tăng như vậy thì việc giành lại tấm vé “con cưng” trong nền kinh tế của Ngành du lịch đã quá rõ ràng rồi nhỉ?

Việt Nam cùng hàng loạt các nước trên thế giới đều đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, nỗ lực nghiên cứu về vi sinh và dịch tễ học nhằm giảm nguy cơ lây lan, tìm ra giải pháp phòng ngừa điều trị COVID-19 hiệu quả và nhanh chóng nhất. Các vaccine đã và đang được điều chế, theo sau đó là những dự án tiêm chủng quy mô lớn được tiến hành khắp các quốc gia, làm giảm nguy cơ lây nhiễm, góp phần kiểm soát dịch bệnh, hướng đến một tương lai chiến thắng đại dịch.

Trong những năm gần đây, cùng với nỗ lực phòng chống dịch và sự tận tâm điều trị cho các bệnh nhân trong giai đoạn COVID-19, nước ta được nhìn nhận là điểm đến an toàn và thân thiện. Đây chính là ưu điểm tạo nên sức hút đối với khách du lịch về lâu dài trong tương lai. Bên cạnh đó, vị trí địa lý đẹp, cảnh quang phong phú, lịch sử lâu đời, người dân hiếu khách và đặc biệt là ẩm thực đa dạng luôn luôn là những điểm gây ấn tượng mạnh mẽ định hình nền du lịch Việt Nam từ trước đến giờ. Đây đã đang và sẽ luôn là cơ hội để ngành du lịch tiếp tục phát triển trong tương lai.

Và hãy nhớ rằng, các bạn cần ít nhất 4 năm để hoàn thành chương trình học Quản trị Du lịch & Khách sạn Quốc tế. 4 năm này có thể chính là thời gian các bạn chứng kiến và quan sát những sự thay đổi, chuyển mình của nền du lịch nước nhà đấy, hãy cùng chờ xem nào.

#3

Dù cho có Covid hay không thì Ngành Du lịch và Khách sạn đã không bỏ cuộc mà tìm nhiều cách để thay đổi và vươn lên. Còn bạn, những nhà Quản trị tương lai thì sao? Liệu bạn có bỏ cuộc? Ngoài việc nắm vững các kiến thức về mặt chuyên môn, ngành Du lịch và Khách sạn cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mềm để bạn có thể bước đi vững chắc trong môi trường dịch vụ nhộn nhịp đầy thách thức này. Dù cho có 10 con Covid đi chăng nữa thì đâu là những kỹ năng giúp bạn “miễn dịch” với những khó khăn và thử thách của ngoại cảnh?

Kỹ năng ứng biến: Bản chất của ngành THM là hướng tới sự chăm sóc khách hàng tốt nhất. Mà thời Covid thì sự ứng biến còn ở một level khác, vì giờ đây nhu cầu của khách hàng đã thay đổi khó lường từng ngày. Thông thường, kỹ năng ứng biến thường đến từ kinh nghiệm của bạn, có thể là từ quan sát các anh chị đi trước hoặc bạn cùng lứa trong quá trình làm việc, nhiều khi cũng có thể xuất phát từ óc phán đoán và hiểu tâm lý khách hàng. Lời khuyên là bạn hãy “mang đôi giày” của khách hàng để hiểu được những khó khăn họ đang gặp phải và từ đó đề ra hướng đi phù hợp cho dịch vụ của mình nhé!

Kỹ năng quan sát: Kỹ năng quan sát không chỉ đơn giản là nhìn, nhưng cần phải hết sức “chú ý” để nhận ra cảm giác, tâm trạng hoặc nhu cầu của khách hàng. Các bạn biết đấy, có những thứ không phải lúc nào cũng được nói ra thành lời mà chỉ thể hiện qua một hành động nhỏ như: một ánh mắt, một cái nhíu mày, một tiếng thở dài, một nụ cười nhẹ. Bởi vậy, thông qua việc quan sát, bạn có thể nhận ra khách hàng của bạn đang muốn gì, cần gì, cảm thấy như thế nào – và đây cũng chính là chiếc chìa khóa vàng của ngành dịch vụ. Một khi hiểu được khách hàng, bạn có thể tìm được cách đáp ứng khách hàng và chiếm lấy cảm tình, sự tin tưởng lâu dài cho bản thân cũng như doanh nghiệp.

Kỹ năng ngoại ngữ: Trong xu hướng toàn cầu hóa, không chỉ riêng gì Việt Nam mà ở rất nhiều nơi khắp địa cầu này, du khách nước ngoài mang đến một nguồn thu không hề nhỏ cho nền công nghiệp không khói du lịch. Do đó việc “tậu” cho bản thân một, hay thậm chí một vài ngoại ngữ thông thạo chính là điểm cộng vô cùng to lớn đối với các cư dân ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn Quốc tế. Ngoài 4 kỹ năng cơ bản Nghe, Nói, Đọc, Viết, thì sự hiểu biết văn hóa ứng xử của các nước khác cũng tạo được một nét ấn tượng trong lòng du khách nước ngoài. Kỹ năng ngoại ngữ sẽ như cánh cửa thần kỳ đưa đường dẫn lối những hình ảnh đất nước ta bước ra trường quốc tế.

Kỹ năng tự học: Cô-vy hay bất cứ thử thách nào trên cuộc đời cũng sẽ chẳng làm khó được bạn nếu bạn có khả năng tự học. Nếu Cô-vy làm bạn ngao ngán và lo sợ rằng mình sẽ không có nhiều cơ hội việc làm trong ngành Du lịch và Khách sạn thì kỹ năng tự học sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vùng an toàn và học những điều mới mẻ, nhằm thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường mới. Ngày nay có rất nhiều cách để giúp bạn tự học hiệu quả, như giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đọc sách hay tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.

Nếu đọc xong bài viết này và các bạn vẫn giữ được ngọn lửa đam mê của mình với ngành học thì hãy cùng tham khảo chương trình học Ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn của VNUK nhé!

 

Verified by MonsterInsights