VNUK tiếp nối sứ mệnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo thông qua Buổi Tập huấn Giáo dục STEM cho hơn 270 giáo viên bậc Trung học tại TP. Đà Nẵng

VNUK >Uncategorized @vi >VNUK tiếp nối sứ mệnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo thông qua Buổi Tập huấn Giáo dục STEM cho hơn 270 giáo viên bậc Trung học tại TP. Đà Nẵng

Sau sự thành công của Hội thảo “Hướng tiếp cận và một số giải pháp triển khai Giáo dục STEM cho các trường THPT tại Đà Nẵng” diễn ra vào ngày 24/11/2022, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh đã thiết kế các chương trình hỗ trợ giáo dục STEM, bắt đầu triển khai thí điểm tại một số trường và bước đầu thu được những kết quả tích cực. 

Nhận thấy nhu cầu hỗ trợ cấp bách của các thầy cô giáo bậc Trung học trong việc hiện thực hóa giáo án giảng dạy STEM của mình, vào ngày 30/03 vừa qua, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng tổ chức Buổi tập huấn “Xây dựng bài giảng và phương pháp đánh giá học tập liên môn STEM bậc Trung học tại Đà Nẵng”.

Hình 1: Các giáo viên bậc Trung học check-in tham dự Buổi tập huấn STEM 30/03

Các diễn giả và khách mời tham gia Buổi tập huấn

  1. TS. Nguyễn Thành Hải – Chuyên gia về giáo dục STEM/STEAM, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri, Hoa Kỳ; Người sáng lập & CEO của tổ chức tư vấn giáo dục SEARINET Hoa Kỳ;
  2. Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng;
  3. Bà Phạm Thị Trinh – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng;
  4. Ông Võ Thái Dương – Chuyên viên (phụ trách Giáo dục STEM) Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng;
  5. Ông Nguyễn Văn Chương – Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Thành phố Ðà Nẵng;
  6. Bà Trần Thị Diệu Anh, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty TNHH MTV Đào tạo và Tư vấn AQ Leadership;
  7. ThS. Nguyễn Tấn Lộc – Chuyên gia Carl Zeiss Digital Classroom (Công ty TNHH TMDVKT Minh Khang);
  8. TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh Đại học Đà Nẵng;
  9. TS. Trần Thế Vũ – Phó Viện trưởng, Phụ trách ngành Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng;
  10. TS. Đặng Đức Long – Cố vấn Giáo dục STEM, Giảng viên Khoa học Y Sinh và Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng;
  11. ThS. Đoàn Minh Thu – Giám đốc điều hành Không gian sáng chế, Giảng viên Khoa học Y Sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng.

Cùng với sự tham dự của hơn 270 cán bộ quản lý, tổ trưởng/tổ phó bộ môn liên quan đến STE(A)M (như toán học, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật), giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH và các cuộc thi KHKT các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Hình 2: Buổi Tập huấn có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành và hơn 270 giáo viên bậc Trung học

Phát biểu của Đại diện Ban Tổ chức

Tại buổi tập huấn, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Chất lượng triển khai thực hiện giáo dục STEM những năm qua có bước tiến rõ rệt. Các trường thực hiện nội dung giáo dục STEM một cách chủ động, sáng tạo. Nhiều trường tổ chức câu lạc bộ STEM để học sinh tham gia. Trong quá trình thực hiện các bài học theo chủ đề giáo dục STEM, học sinh đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhiều sản phẩm vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn của học sinh đã được giải cao tại cuộc thi KHKT các cấp.” Ông Mai Tấn Linh bày tỏ sự tin tưởng đối với VNUK khi nhắn nhủ các trường Trung học trên địa bàn thành phố có thể chủ động liên hệ với Viện để được hỗ trợ khi triển khai giáo dục STEM trong nhà trường. 

Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng VNUK cũng chia sẻ thêm, giáo dục STEM ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng trong các nhà trường bởi tính thực tiễn và hiệu quả của nó. Mô hình học tập gắn kết dựa trên việc thực hành, ứng dụng giúp hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học, đề cao phong cách học tập sáng tạo. VNUK vẫn đang dùng những nguồn lực hiện có của mình để hỗ trợ tối đa những hoạt động đổi mới sáng tạo và triển khai giáo dục STEM trong nhà trường.

Hình 3: TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng VNUK phát biểu tại Buổi Tập huấn

Những hoạt động chính trong Buổi tập huấn

Những khách mời tham gia Buổi tập huấn đã đưa ra những đánh giá của mình về tình hình và thách thức trong công tác giảng dạy STEM liên môn tại Việt Nam nói chung và bậc Trung học nói riêng. Cũng tại Buổi tập huấn, các giáo viên THCS và THPT đã được cập nhật các xu hướng giáo dục STE(A)M tích hợp, tìm hiểu về phương pháp giáo dục liên môn STE(A)M và kinh nghiệm thực tiễn tại Hoa Kỳ thông qua những chia sẻ của TS. Nguyễn Thành Hải. 

Nguyễn Thành Hải cùng các chuyên gia cũng đã hướng dẫn các giáo viên tham dự xây dựng bài giảng và bộ tiêu chí đánh giá học tập liên môn STE(A)M nhằm đảm bảo chất lượng chương trình theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Các khách mời đã có những trao đổi, thảo luận về những nhu cầu và khó khăn trong việc triển khai giáo dục STE(A)M đặc biệt theo hướng liên môn tại các trường và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ giáo dục STE(A)M THCS và THPT mà Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh đang triển khai.

Hình 4: TS. Nguyễn Thành Hải – Chuyên gia về giáo dục STEM/STEAM, Đại học Missouri, Hoa Kỳ trong Buổi Tập huấn

Đặc biệt, Buổi tập huấn đã lồng ghép các hoạt động trải nghiệm STEM theo phương châm ABC (Action Before Content), điều giúp cho không khí chương trình sôi nổi và hào hứng. Các thầy cô giáo được chia thành các nhóm nhỏ và lần lượt tham gia các hoạt động STEM liên môn với những quy mô và không gian tổ chức khác nhau, bao gồm:

  • Hoạt động 1: “Khởi động cùng Humpty Dumpty – Thả trứng từ trên cao mà không vỡ”;
  • Hoạt động 2:  “Ví dụ triển khai STEM liên môn trong lớp học – Làm kem siêu tốc”;
  • Hoạt động 3: “Ví dụ triển khai STEM liên môn ngoài sân trường – Giọt nước trên lá sen”;
  • Hoạt động 4: “Dự án Hệ thống lọc nước”;
  • Hoạt động 5: “Một số câu nói thường dùng và cách thay đổi chúng để giúp học sinh gia tăng hứng thú tìm tòi sáng tạo”.
Hình 5: Các thầy cô tham gia hoạt động trải nghiệm STEM tại Buổi Tập huấn

Chia sẻ của TS. Nguyễn Thành Hải về Buổi tập huấn và về triển vọng của Giáo dục STEM trong tương lai

Nguyễn Thành Hải – diễn giả khách mời đặc biệt từ ĐH Missouri đã bày tỏ niềm vinh dự của mình khi được tham dự Buổi tập huấn này: 

“Cảm xúc của tôi khi được tiếp xúc cùng các thầy cô ngày hôm nay là vô cùng ấn tượng. Sự hào hứng, háo hức và nhiệt tình của các thầy cô tham gia ngày hôm nay là động lực rất lớn của tôi trong những Buổi tập huấn tiếp theo. Điều này cũng chứng tỏ rằng, các giáo viên tại Đà Nẵng rất quan tâm và cũng được Sở GDĐT TP. Đà Nẵng tạo điều kiện để chương trình giáo dục STEM được triển khai tại thành phố Đà Nẵng. 

Giáo dục STEM vừa khó lại vừa dễ. Với sự nhiệt tình và chuẩn bị cấp Sở, cấp Trường, đặc biệt có sự hỗ trợ của VNUK, tôi tin là việc triển khai giáo dục STEM tại TP. Đà Nẵng sẽ rất thành công. Con đường có thể sẽ rất nhiều chông gai, thử thách nhưng thành quả mang lại đối với học sinh thành phố Đà Nẵng là rất lớn. Và tôi cũng tin chắc rằng, các thầy cô sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.”

Hình 6: TS. Nguyễn Thành Hải bày tỏ niềm hy vọng trong việc triển khai sâu rộng Giáo dục STEM trong nhà trường tại TP. Đà Nẵng

Buổi tập huấn là một trong những nỗ lực và tâm huyết của VNUK trong việc triển khai rộng rãi giáo dục STEM trong cộng đồng. Định vị bản thân gắn liền với sứ mệnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh vẫn đang không ngừng nỗ lực để tạo dựng nhịp cầu cảm hứng kết nối các cá nhân, tổ chức hướng tới những giá trị tốt đẹp trong giáo dục. Việc tổ chức thành công những hội thảo, buổi tập huấn và cuộc thi liên quan đến STEM là động lực để VNUK tiếp tục hành trình thúc đẩy và triển khai giáo dục STEM trong tương lai. 

Bạn đọc tham khảo thêm các bài viết trên báo chí địa phương:

Verified by MonsterInsights