
Có thể nói quãng đời sinh viên, đối với những ai may mắn được bước chân vào giảng đường Đại học là giai đoạn vô cùng tươi đẹp và cũng hết sức quan trọng trong cuộc đời. Vì đó là những năm định hình trong giai đoạn thanh niên xét về nhiều mặt: kiến thức, tư duy, kỹ năng, định hướng lối sống, định hướng nghề nghiệp, các mối quan hệ xã hội… Bậc Đại học là bậc đầu tiên của hệ đào tạo bậc cao (higher education) nhưng lại là bậc học quan trọng nhất để hun đúc một người trí thức. Đó là điều mà tôi nhận ra sau khi đã trải qua quá trình học tập ở ba Viện Đại học khác nhau, đều nằm trong các Viện Đại học hàng đầu của thế giới, từ bậc Đại học đến Thạc sỹ và Tiến sỹ.
Các bạn sinh viên bước vào Đại học đa phần là độ tuổi 18-20, là những năm đầu tiên trong cuộc đời các bạn được xã hội công nhận là người trưởng thành với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của người công dân. Các bạn phải tự chịu trách nhiệm cho tương lai của mình, cho những hành động cũng như những mối quan hệ của mình. Đó là không gian lớn lao, đầy thú vị nhưng cũng rất mới mẻ và thử thách đối với các bạn. Các bạn một lần nữa là những trang giấy trắng, những trải nghiệm học tập và trải nghiệm cuộc sống tại Đại học sẽ tạo nên dấu ấn ảnh hưởng lớn đến quãng đường đời tiếp theo của mỗi người.
Có một từ Latin hiện nay rất thông dụng trong giao tiếp tiếng Anh để nói về ngôi trường Đại học của một ai đó là từ “Alma mater”, nghĩa là “Người mẹ nuôi dưỡng” (Nourishing mother). Ý muốn nói đến ngôi trường Đại học có thể xem như là người mẹ nuôi dưỡng nên phần tri thức (intellectual) của mỗi người. Vì sao gọi là mẹ? Bởi vì mẹ là người sinh ra và sẽ luôn nâng đỡ mỗi đứa con trong suốt cuộc đời. Những gì mẹ dạy dỗ sẽ theo chúng ta không chỉ khi ở bên mẹ mà là hành trang cho giúp ta đi đến mọi nơi, chinh phục mọi đỉnh cao. Đây là điều cá nhân tôi cảm nhận một cách sâu sắc.
Ngay cả đến hôm nay, 20 năm sau ngày tôi bước chân vào Đại học Oxford, vẫn có những lúc tôi cảm nhận được cái chất “sinh viên Oxford” trỗi lên trong người mình khi mình đứng trước một vấn đề thách thức hay khi phải biện luận quan điểm về một đề tài nhiều tranh cãi. Lối tư duy khoa học, giàu tính phản biện, tự nhận thức ở bậc cao nhưng cũng luôn đặt các quan điểm khác nhau vào đúng bối cảnh của nó, hiểu thấu được căn nguyên của các ý kiến khác nhau trước khi phản bác,…là những gì tôi đã được rèn thời Đại học qua quá trình “luyện đan” khắc nghiệt như một lò lửa. Luyện bằng mọi hình thức: từ những bài tiểu luận, những cuộc tranh luận hàng tuần, đến những cú trượt trong quá trình học tập hay những lời gọt giũa bén như dao của các Giáo sư, hay những lời động viên và truyền cảm hứng của thầy cô, bạn bè…
Điều quan trọng hơn mà tôi muốn chia sẻ là “người mẹ Oxford” vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tôi về mặt trí tuệ ngay cả sau khi tôi tốt nghiệp. Tôi vẫn tiếp tục ngộ thêm về những điều tôi đã được nạp sẵn từ Oxford, đồng thời vẫn tiếp tục được học, được tiếp lửa từ cộng đồng Oxford thông qua những gì mỗi thành viên của cộng đồng sinh viên, cựu sinh viên, các Giáo sư, các nhà nghiên cứu… vẫn đang cùng nhau tạo ra mỗi ngày. Điều tôi muốn đúc kết lại đó chính là: học Đại học không có nghĩa là bạn đến trường trong 3 hay 4 năm và hoàn tất các môn học để đạt được một bằng cấp chuyên môn ở bậc cử nhân hoặc tương đương. Hãy nghĩ về nó là như hành trình không ngừng nghỉ mà ngày khai giảng năm học đầu tiên chỉ mới là ngày khởi đầu.
Đúng tinh thần của “người mẹ”, trường Đại học tạo cơ hội cho mọi sinh viên như nhau. Nhưng chính mỗi sinh viên là người quyết định cuộc hành trình của mình, là người viết lên câu chuyện của chính mình, là người định hình sự phát triển của mình trong môi trường Đại học. Do vậy yếu tố đầu tiên mà mỗi sinh viên cần ý thức và xây dựng đó là tính tự chịu trách nhiệm và sự chủ động. Hình thành được hai trụ cột này càng sớm sẽ giúp bạn nhanh chóng vững vàng vạch ra và tiến nhanh trên con đường khám phá tri thức và tự phát triển bản thân khi còn là sinh viên và khi đã trở thành cựu sinh viên.
Đối với kiến thức chuyên môn, đừng chỉ học nó trong phạm vi môn học hay chuyên ngành. Thực tế, những mô hình lõi mà bạn học tại Đại học sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn nhìn nhận gần như mọi vấn đề trong cuộc sống về sau này. Nó là mô hình nền tảng mà bạn sẽ luôn tham chiếu đến gặp các vấn đề khác nhau trước khi bạn áp dụng thêm các góc nhìn khác. Vậy nên hãy học thật vững các kiến thức nền tảng và các phương pháp luận cốt lõi của ngành học. Bên cạnh đó, bạn cần rèn luyện và mài sắc tinh thần học hỏi, phương thức học hỏi, cách thức tư duy, và quan trọng hơn nữa là cái tâm, cái tầm của một con người trí thức.
Một khía cạnh nữa mà người mẹ Đại học sẽ trao cho bạn chính là hệ giá trị của cộng đồng Đại học ấy. Đó là những giá trị định hướng cho các hoạt động diễn ra trong hệ sinh thái cộng đồng ấy, là chất keo gắn kết nhiều thế hệ đồng môn là giáo sư, giáo viên, nhà điều hành, các thành viên hỗ trợ và quan trọng là các thế hệ sinh viên. Mỗi trường Đại học đều có hệ thống giá trị riêng biệt. Điều đó tạo ra sự bản sắc và niềm tự hào riêng của mỗi trường. Đó cũng chính là hệ giá trị của cộng đồng những cá nhân gắn bó với trường. Nó khiến cho các thế hệ sinh viên đồng môn dễ dàng kết nối với nhau và sẵn lòng tương trợ lẫn nhau khi cần thiết. Bản thân mỗi sinh viên nên thấu hiểu hệ thống giá trị của trường mình, hướng đến sự tương đồng hài hoà (alignment) giữa hệ giá trị cá nhân với hệ giá trị của nhà trường.
Không phải bạn trẻ nào cũng sớm hiểu rõ hoặc xây dựng được hệ giá trị của bản thân. Vậy nên học tập tại một ngôi trường có hệ giá trị tốt đẹp, được định nghĩa rõ ràng và thể hiện một cách đậm nét và minh bạch sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nâng đỡ các cá nhân trở thành những người sống và hành động theo một hệ giá trị nhất quán, từ đó giảm thiểu những sự lệch hướng hay hoang mang. Bên cạnh việc tìm hiểu và hình thành các giá trị của bản thân thì các bạn sinh viên nên quan tâm nghiêm túc đến việc tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình, hay còn gọi là sứ mệnh cuộc đời mình. Nét đặc trưng của thế hệ Z – là thế hệ bao gồm nhóm sinh viên và các bạn trẻ vừa tốt nghiệp Đại học không lâu là luôn tìm kiếm ý nghĩa trong công việc và phải cảm thấy ý nghĩa thì mới có động lực.
Có một sự khác biệt to lớn giữa việc “tìm thấy ý nghĩa trong từng việc” với “tìm ý nghĩa chung của cuộc sống” và “sống theo sứ mệnh của mình“. Ở đây tôi muốn nói đến “sứ mệnh” riêng mà mỗi người tự định ra là mục tiêu cao cả nhất của cuộc đời mình. Đó chính là ADN về mặt định hướng hành động của mỗi cá nhân, không ai giống ai. Thay vì chạy theo cái bóng trong từng tình huống là “công việc này có ý nghĩa gì” để tìm động lực (công việc ở đây có thể là một môn học khi bạn còn là sinh viên, hay là một vị trí, một dự án khi bạn đã tốt nghiệp đi làm) việc làm dự án này), bạn hãy đặt câu hỏi ở thế chủ động là “Công việc này có giúp mình thực hiện sứ mệnh của mình không, nó có phù hợp với sứ mệnh của mình không”. Khi trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ cảm thấy tự tin để đưa ra những quyết định một cách dứt khoát và bạn cũng sẽ có được phong thái làm việc một cách tự chủ.
Hành trình khám phá ý nghĩa cuộc sống, định nghĩa một cách rõ ràng sứ mệnh của bản thân là một hành trình không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự nghiêm túc nhận thức bản thân, những phép thử sai và gần như sẽ cần có một quá trình tìm tòi, khơi gợi và làm rõ. Lời khuyên tôi muốn dành cho các bạn là hãy dũng cảm. Điều bạn đang có chính là tuổi trẻ, nhiệt huyết, năng lượng, thời gian và một môi trường an toàn với nhiều sự hỗ trợ từ thầy cô và gia đình.
Bạn hãy dũng cảm thử thách bản thân, đối diện với những chông chênh, thậm chí là khủng hoảng khi nó xảy ra. Hãy xem đó như là những bài luyện tập giúp bạn khám phá những tiềm năng cũng như những vùng mờ bạn chưa thấu tỏ hết về chính bản thân mình. Hoặc đó là những bài tập để bạn trở nên dẻo dai hơn, mạnh mẽ hơn về năng lực ứng phó, về năng lực phục hồi, về độ linh hoạt và chấp nhận thay đổi. Bạn không biết mình mạnh mẽ đến mức nào nếu bạn không “được” trải qua những khó khăn mỗi lúc một lớn hơn. Giống như một lực sĩ cử tạ khi đã nâng được một mức cân nặng nào đó thì anh ta sẽ phải thử sức ở mức cân nặng cao hơn chứ không dừng lại.
Hãy chuẩn bị tinh thần rằng bạn sẽ thất bại! Thất bại ở một khía cạnh nào đó đơn giản là vì mình không đạt được sự kỳ vọng của bản thân. Cũng tương tự như lực sĩ cử tạ lần đầu tiên thử sức ở mức cân nặng cao hơn và không nâng nổi. Đừng nghi ngờ bản thân hay hoang mang, buồn phiền nếu bạn thất bại sau khi đã thử nhiều lần hay cố gắng rất nhiều, hoặc là khi bạn cứ vấp ngã trên cùng cung đường và lần sau có vẻ đau đớn hơn lần trước! Nếu bạn cần giải mười bài toán với nhiều biến hoá khác nhau để thực sự nắm chắc về khung lý thuyết, vậy thì bạn có vấp ngã vài lần hơi tương tự nhau cũng chẳng qua chỉ là để bạn có những kinh nghiệm phong phú hơn.
Đồng ý rằng cũng có những lần vấp ngã thật đau đớn và bạn cần liều thuốc giảm đau! Có một liều thuốc giảm đau rất hiệu nghiệm mà bạn có thể dùng đó chính là lòng biết ơn! Hãy biết ơn vì bạn có một cơ duyên rất tuyệt vời được đặt chân vào Đại học, biết ơn cuộc sống, và biết ơn cả sự vấp ngã, sự thất bại. Hoặc chỉ đơn giản là biết ơn những điều tốt đẹp mà bạn có thể nhìn thấy, có thể cảm nhận được đang diễn ra xung quanh bạn, thậm chí ngay cả khi nó không tác động đến bạn trực tiếp. Khi có một nguồn năng lượng tích cực chạm đến bạn, đó chính là sự xoa dịu mà cuộc sống đang gửi đến.
Bạn cũng sẽ cần những bàn tay nâng đỡ giúp mình vượt qua tình huống khó khăn! Những lúc ấy đừng quên rằng bạn không một mình, bạn có bạn bè, có thầy cô, có nhà trường và có bạn bè. Đó là về lý thuyết, còn về thực tế thì trong cuộc sống có những cái siết tay và những cái ôm rất chặt, nhưng cũng có những cái nắm tay không đủ truyền hơi ấm, những sự động viên không đủ sát sao hoặc những gợi ý giúp đỡ chưa phù hợp. Bên cạnh những hỗ trợ mà môi trường Đại học chuẩn bị sẵn cho bạn, chính bạn là người quyết định chất lượng hệ thống hỗ trợ cho mình bằng cách thức mà bạn hoà mình vào tập thể, đóng góp cho cộng đồng cũng như xây dựng cho mình những mối liên kết cá nhân lành mạnh và đa dạng.
Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng “Yêu cuộc sống và cuộc sống sẽ yêu ta.” Tôi xin truyền đến các bạn niềm tin ấy với sự chân thành và thân ái nhất. Tôi mến chúc các bạn sinh viên những ngày tháng thật tươi đẹp, học tập hăng say và tích luỹ được thật nhiều hành trang quý báu cho tương lai. Chúc các bạn luôn yêu đời, yêu người, vui tươi, mạnh mẽ và có cuộc sống đầy ý nghĩa!
Doanh nhân Trần Phương Ngọc Thảo
Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ