Công nghệ Nano đang len lỏi vào tất cả các ngành công nghệ và kỹ nghệ. Nó phục vụ cho mọi lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Nhận thấy được sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành học này trong tương lai, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh đang chủ trương phát triển đào tạo chương trình cử nhân Công nghệ Nano. Chương trình được thiết kế giảng dạy dựa trên tiêu chuẩn quốc tế nhằm phát triển toàn diện cho sinh viên, chú trọng kỹ năng mềm và trải nghiệm môi trường làm việc thực tiễn.
Với định hướng này, VNUK sẽ đóng vai trò là một cơ sở giảng dạy, một cơ sở nghiên cứu khoa học về ngành, nhào nặn nên những nghiên cứu viên, kỹ thuật viên chất lượng cao trong lĩnh vực. Với sự phù hợp trong định hướng giảng dạy và phát triển, VNUK vui mừng chào đón sự xuất hiện của TS. Trần Văn Khuê trong vai trò giảng viên Tổ Khoa học và Công nghệ.
Trước khi gia nhập vào Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, TS.Trần Văn Khuê đã có thời gian theo học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và công tác tại khoa Sinh học trong suốt 4 năm. Sau thời gian học tập và nghiên cứu, Thầy Trần Văn Khuê nhận bằng Tiến sĩ về chuyên ngành Công nghệ sinh học nano (BioNanotechnology) tại Đại học Hanyang, Hàn Quốc. Đây cũng là cái nôi của những dự án Nghiên cứu và phát triển công nghệ, là nơi sản sinh ra các CEO hàng đầu tại Hàn Quốc và là ngôi trường được lọt top 100 trường đại học danh giá nhất thế giới theo kết quả đánh giá xếp hạng của World University Rankings.
Tại Đại học Hanyang, thầy Khuê nghiên cứu chuyên sâu về mảng Biosensor và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học với nhiều thành tựu đáng quý với hơn 15 bài báo được công bố trên Tạp chí khoa học quốc tế- Mỗi đề tài nghiên cứu đều gợi mở được nhiều định hướng ứng dụng, mang lại giá trị thực tiễn trong cuộc sống. Gần đây nhất là bài báo đề cập đến việc xác định Glucated Albumin bằng cách sử dụng Nanozyme và phương pháp điện hóa miễn dịch để tiền chẩn đoán bệnh tiểu đường nhằm phát hiện nguy cơ gây bệnh và điều chỉnh những thói quen sinh hoạt hằng ngày. Một đề tài khác mang tính ứng dụng cao của thầy là nghiên cứu về chức năng hóa hạt Nano IrPt nhằm xác định các chất có trong mẫu máu, nước tiểu… đưa vào chẩn đoán các vấn đề thuộc lĩnh vực Y học và Công nghệ.
Tiến sĩ Trần văn Khuê có niềm đam mê với công việc giảng dạy, dìu dắt sinh viên. Với thầy, cách tốt nhất để khai mở tình yêu công nghệ với các thế hệ sinh viên chính là trang bị cho các bạn những kiến thức chuyên ngành tốt, không chỉ chuyên ngành mà của các ngành khác nữa. Một khi các bạn có cái nhìn bao quát thì mọi ý tưởng sẽ đến với bạn trên con đường thông thoáng hơn. Khi thấy điểm tương đồng giữa mục tiêu nghiên cứu và định hướng phát triển trong chương trình đào tạo của ngành tại Viện cùng những thiện cảm về môi trường làm việc cởi mở, gần gũi, thầy Khuê đã lựa chọn VNUK cho con đường giảng dạy và nghiên cứu sau này.
Chia sẻ thêm với sinh viên về việc theo đuổi ngành học thú vị này, thầy Khuê cho biết: “Với mình, việc lựa chọn ngành học hay làm bất kỳ công việc nào cũng luôn cần có sự yêu thích đầu tiên, khi đó bạn học nó mới vào được và mới “có tâm” với nó được. Vì Nano là những gì siêu nhỏ, không thể nhìn thấy được bằng kính hiển vi thông thường nên khi bạn làm việc với vật liệu Nano bạn phải có niềm tin ở bản thân và vì bạn sẽ thao tác trên các vật liệu khác nhau với tính chất khác nhau nên sự khéo tay cũng sẽ giúp chúng ta tốn ít thời gian để lặp lại thí nghiệm hơn.
Một điều mình muốn chia sẻ thêm, với những bạn có đủ tình yêu về ngành học này mà vẫn đang lăn tăn việc chọn trường, mình nghĩ VNUK là một lựa chọn phù hợp cho các bạn đấy. Việt Nam hiện nay hầu hết chỉ có một số phòng thí nghiệm theo định hướng nghiên cứu, chưa lên hẳn một ngành. Nhưng ở VNUK lại đang đào tạo chương trình cử nhân Công nghệ Nano, với việc giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ là phương tiện để các bạn chủ động tiếp cận nguồn tri thức mới trong quá trình học, đồng thời tự tin gia nhập vào môi trường làm việc trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia nghiên cứu cùng các giảng viên cũng là một điểm cộng để các bạn vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu. Việc Viện liên doanh với các trường đại học, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ Nano cũng là một điều kiện thuận lợi cho các bạn ngay khi ra trường.”
Có thể thấy, sự xuất hiện của TS. Trần Văn Khuê vào hàng ngũ giảng viên là một niềm vui cho ngành Công nghệ Nano tại VNUK. Với nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chúng ta tin tưởng rằng thầy sẽ trang bị thật tốt những kiến thức chuyên môn cho sinh viên, tạo nền tảng vững chắc để các em mạnh dạn tiếp cận thị trường lao động toàn cầu.
Công nghệ Nano đang với tay tới mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại, từ khoa học – công nghệ đến y học, an ninh quốc phòng… Chính vì thế, sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ đa dạng khả năng lựa chọn ngành nghề. Ngoài những lợi thế về cơ hội việc làm, lựa chọn học ngành này còn có một lợi thế lớn cho các bạn có ý định lao động tại nước ngoài. Một người học kế toán trong nước ra nước ngoài sẽ rất bỡ ngỡ. Một người làm kiến trúc trong nước ra nước ngoài sẽ phải học lại để hành nghề. Nhưng là người làm về công nghệ để sắp xếp công việc ở đâu cũng như nhau. Khi xin việc, bạn có một sân chơi bằng phẳng so với người nước ngoài.
Hy vọng với sự xuất hiện của thầy Trần Văn Khuê sẽ đưa các bạn trẻ đến gần với Công nghệ Nano nhiều hơn, để các bạn một phần nào tư tin và sẵn sàng cho hành trình lựa chọn tương lai của chính mình. Nếu bạn muốn biết hơn về những thành tựu nghiên cứu của thầy trong nhiều năm qua, vui lòng xem thêm thông tin tại đây nhé.