Trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch CoVid-19 này, chúng ta cần nhiều “phòng tuyến phòng ngự” khác nhau, từ rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, rồi đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, đến giữ khoảng cách với người lạ ít nhất 2m, v.v. Các biện pháp này góp phần hạn chế được sự lây lan virus trực tiếp giữa người và người. Tuy vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy virus corona mới này có thể tồn tại ở trên nhiều bề mặt khác nhau; thời gian bán bất hoạt trên hộp các tông là 4 giờ, trên thép không rỉ là gần 6 giờ và trên nhựa là khoảng 7 giờ và sống sót được trên các đồ quần áo lên tới 12 giờ (van Doremalen và cs., 2020). Bề mặt của những đồ vật nhỏ như điện thoại di động chúng ta đã có biện pháp dùng dịch sát khuẩn có chứa cồn để lau, nhưng nguy cơ lây truyền virus từ bề mặt quần áo hay bề mặt đồ vật lớn là hoàn toàn có thể xẩy ra. Để góp phần ngăn chặn nguy cơ này, các buồng khử khuẩn đã được đưa ra sử dụng như một biện pháp giảm và ngăn ngừa sự lây lan chéo tại những nơi công cộng – như bệnh viện hay nhà máy. Cũng có nhiều ý kiến trái chiều như báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đưa tin ngày 26/03: “… không nên sử dụng biện pháp này vì chưa được kiểm chứng khoa học cụ thể.”
Buồng khử khuẩn lắp đặt tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh
Trả lời cho nhận định này, TS. Đăng Đức Long – Giảng viên Chuyên ngành Khoa học Y Sinh, đồng thời cũng là Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – đã chia sẻ một số ý kiến chuyên môn như sau:
“Để khử khuẩn trong diện rộng và nhanh chóng thì các tác nhân khử khuẩn hoá học và vật lý sử dụng có chứa yếu tố độc tính nhất định. Vấn đề là chúng ta phải cần bằng giữa tác dụng diệt khuẩn với ảnh hưởng lên sức khoẻ con người. Tôi chia sẻ lo ngại về thành phần Clo hoạt tính đem lại tác dụng khử khuẩn của Anolyte, hay tác động của khí Ozone đối với cơ thể.
Tuy nhiên, hệ thống khử khuẩn toàn thân không đồng nghĩa với việc sử dụng Anolyte hay Ozone! Chúng ta có thể sử dụng các tác nhân khử khuẩn có nguy cơ ít hơn khi đi vào cơ thể con người. Chất khử khuẩn dạng này nên ít tạo ra khí dư có độc tính để vào hệ hô hấp của người, ít ăn mòn bề mặt, và ít phân huỷ thành những chất không ảnh hưởng đến môi trường và con người.”
Trong thời gian qua, TS. Đặng Đức Long, một trong những nhà nghiên cứu nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ sinh học đã phối hợp với TS. Nguyễn Ngọc Tuấn thuộc công ty TNHH MTV Khoa học và Công nghệ Năng lượng xanh phát triển buồng khử khuẩn toàn thân với mong muốn sản phẩm sẽ được sử dụng hiệu quả và rộng rãi nhằm giảm bớt nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Lắp đặt buồng khử khuẩn tại Quân khu 5
Hai nhà nghiên cứu đã không sử dụng nước điện hóa (Anolyte hay Ozone) để khử khuẩn mà lựa chọn và thử nghiệm dung dịch hydrogran peroxide (nước oxy già) có nồng độ loãng vào mục đích này. Trong số các chất khử trùng bề mặt phổ biến hiện nay, hydrogen peroxide (H2O2) là một lựa chọn tốt. Theo nghiên cứu mới đây (Kampf và cs. 2020), coronavirus trên bề mặt có thể bị mất hoạt bởi 0,5% hydrogen peroxide sau 1 phút tiếp xúc. Hydrogen peroxide (H2O2), một tác nhân diệt khuẩn dựa vào tính oxy hoá mạnh, là một chất quen thuộc ngày càng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, công nghiệp thực phẩm và xử lý môi trường. H2O2 được phát hiện bởi Louis Thenard vào năm 1818 và nó được sử dụng làm chất khử trùng lần đầu tiên vào năm 1891 bởi Richardson (Schumb và cs., 1955). Như vậy đặc điểm và độc tính của chất này đã được biết rất rõ. Ưu điểm chính của hydrogen peroxide là có phổ hoạt động rộng bao gồm hiệu quả chống lại vi khuẩn nội sinh, nấm men, nấm, virus, tính ăn mòn bề mặt và mùi giảm đáng kể nếu so sánh với các chất diệt khuẩn khác (Rutala và cs., 1993). Hydrogen peroxide được sử dụng ở dạng lỏng và cả dạng hơi để sát khuẩn và khử trùng các bề mặt và các thiết bị y tế, khử trùng phòng. Dung dịch 3% hydrogen peroxide được sử dụng rộng rãi như một chất khử trùng, đặc biệt trên các vết thương, kể cả những khu vực liên quan đến hệ thống hô hấp và tiêu hoá. Ví dụ trong các công thức khử trùng nha khoa thương mại như Dentasept (Muller Dental) và Oxigenal (Kavo) lần lượt sử dụng 1% (294mM) và 0,4% (118mM) H2O2 làm hoạt chất (Walker và cs., 2003). Độc tính của hydrogen peroxide đã được xác định rõ là gây ra bởi 3 cơ chế: phá huỷ ăn mòn, tạo nhiều khí oxy đột ngột và oxy hoá lipid (lipid peroxidation) (Watt và cs., 2004).
Các cơ chế này đã được chứng minh chỉ gây hại khi cơ thể trực tiếp tiếp xúc với dung dịch hydrogen peroxide có nồng độ từ 10% trở lên. Nuốt phải lượng nhỏ dung dịch 3% thường dùng trong y tế thì có thể gây ra dị ứng nhất thời nhưng thương tổn đáng kể rất khó xẩy ra. Hầu hết các phơi nhiễm với hydrogen peroxide đáng kể qua đường hô hấp gây ra ho và khó thở thoáng qua. Chỉ khi hít phải các dung dịch hydrogen peroxide đậm đặc (từ 30% trở lên) thì mới có thể gây kích ứng nghiêm trọng và viêm niêm mạc, kèm theo ho và khó thở. H2O2 sẽ được phân huỷ nhanh chóng bởi các quá trình tự nhiên thành H2O và O2. Như vậy có thể thấy rằng việc sử dụng hydrogen peroxide với nồng độ thấp có đủ khả năng tiêu diệt virus, nhưng đã được chứng minh qua thời gian rất dài là không có độc tính với cơ thể. Thiết bị mới này đã sử dụng chất này với nồng độ 1% và khống chế thời gian tiếp xúc và cách phun sương phù hợp để khử trùng bề mặt nhưng giảm thiểu nguy cơ đối với con người.
Giấy chứng nhận kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Chúng tôi cùng vô cùng vui mừng khi buồng khử khuẩn đã nhận được giấy chứng nhận kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, khả năng kháng khuẩn là 70 đến 85%. Tuy nhiên, thời gian đi qua buồng khử khuẩn chỉ được hạn chế trong vòng 5 giây để hạn chế tối đa tác động lên cơ thể con người. Thời gian phun sương khá ngắn nên không làm mất thời gian làm việc của cán bộ trong cơ quan. Đặc biệt, thiết bị này rất dễ lắp ráp và không chiếm nhiều diện tích nên rất dễ dàng cho việc di chuyển và lắp đặt.
Thời gian qua, một đơn vị chính quyền đã sử dụng thử nghiệm thiết bị và chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của một số bác sĩ đang công tác tại Bệnh viên Đa Khoa Đà Nẵng. Chúng tôi tin tưởng hiệu quả vô cùng lớn thiết bị này, đặc biệt tại những địa điểm có đông người tập trung như cơ quan, trường học, bệnh viện.
VNUK cũng rất tự hào vì các nhà nghiên cứu hiện tại đang miệt mài tìm kiếm nhiều giải pháp nhanh và hiệu quả, góp phần vào công cuộc phòng và chống căn bệnh thế kỷ đang gây tác động vô cùng lớn lên cuộc sống con người hiện nay.
—
Tham khảo:
Khuyến cáo của Bộ Y tế trên Tuổi trẻ: https://tuoitre.vn/bo-y-te-khuyen-cao-khong-dung-buong-khu-khuan-phong-ap-luc-am-phong-chong-covid-19-20200326162313842.htm
Bài báo về sự kiện bệnh viện Bạch Mai trên báo Tuổi trẻ: https://tuoitre.vn/benh-vien-bach-mai-xin-loi-vi-de-xay-ra-o-dich-covid-19-20200330132057572.htm
Khuyến cáo của Sở Y tế TPHCM trên báo Thanh niên: https://thanhnien.vn/thoi-su/so-y-te-khuyen-cao-khan-khong-su-dung-buong-khu-khuan-diet-virus-covid-19-1202252.html
Tin Việt Nam xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế sang Mỹ trên trang VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-viet-nam-xuat-khau-trang-do-bao-ho-y-te-sang-my-ar538538.html