Dõi theo Bích Trâm và những điệu nhảy của bạn cùng những tế bào Y sinh

VNUK >Khoa học y sinh >Dõi theo Bích Trâm và những điệu nhảy của bạn cùng những tế bào Y sinh
     Hôm qua chúng mình hân hoan với tin vui cho khoa Khoa Học Y Sinh (BMS), thì hôm nay thứ sáu, cuối tuần rồi, chúng mình sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của cô nữ sinh năm 2 và tình yêu với Tế Bào – bạn Hà Phạm Bích Trâm. Nếu bạn còn nhớ Thanh Nhàn và hành trình vào thế giới Công Nghệ của bạn nhuốm màu siêu logic, thì Bích Trâm lại say đắm với Sinh Học và ngành học về Sức Khỏe này một cách khá lãng mạn.
 
Cảnh báo nhỏ: bài sẽ hơi dài so với những bài chia sẻ bình thường của chúng mình nhưng sẽ rất đáng để các bạn nghiền ngẫm, nhất là những bạn vẫn còn tự hỏi “Liệu mình có hợp với Khoa học Y Sinh hay không?” Và cũng không dễ để chúng mình “tóm” được Trâm và có được sự chia sẻ rất chân tình của bạn đâu, vì tại VNUK, tất cả sinh viên năm 2 trở lên đều bận túi bụi, mà sinh viên khoa BMS thì lại còn thí nghiệm, nghiên cứu khoa học vân vân và mây mây nữa. Nên chúng mình hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin bổ ích cho các bạn. Bật mí là hiện tại Bích Trâm đang chia sẻ một tuần của sinh viên Y Sinh trên Instagram trường đó, các bạn có thể dõi theo nếu thích nha. Nhưng bây giờ thì ta hãy cùng dõi theo câu chuyện của Bích Trâm nhé:
 
VŨ ĐIỆU SẮC MÀU Y SINH – BẠN CHỌN ĐIỆU NHẢY NÀO CÙNG TẾ BÀO?
Kết thúc ba năm học chuyên Sinh tại Trường Lê Quý Đôn – Đà Nẵng, điều mà Trâm nhớ nhất chính là câu “tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng cơ bản của cơ thể”. Đối với Trâm, tế bào là một kỳ quan bí ẩn, chất chứa những điều kỳ vĩ về sự vận hành, tiến hóa của sự sống mà các nhà khoa học vẫn luôn đau đáu tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Trâm muốn được trở thành những nhà khoa học đấy. Chính vì vậy, cô bạn quyết định không chọn làm bác sĩ như những người bạn khác, cô chọn nghiên cứu Y Sinh làm sự nghiệp tương lai của chính mình.
 
Tìm kiếm
Vào thời điểm đấy, lựa chọn để học chuyên sâu về nghiên cứu Sinh học ngay bậc Đại học ở Việt Nam gần như là không có. Hầu hết các ngành thiên về sinh học lúc bấy giờ là Bác sĩ, Kỹ thuật viên, Kỹ sư Sinh học, hoặc Công nghệ Sinh học… Trâm tìm hiểu, suy nghĩ, thắc mắc không biết mình nên làm gì tiếp theo. Cô bạn có thể đi du học – các nước tiên tiến khác trên thế giới chính là thiên đường cho ngành Khoa học Y Sinh này. Nhưng mà, du học phải cần rất nhiều tiền, hoặc phải kiếm được học bổng. Cả hai điều này không phải cứ nói là sẽ làm được. Vậy phải làm sao đây?…
 
Bến đỗ
May mắn thay, sau ba năm “lòng vòng” tìm kiếm con đường riêng để thực hiện ước mơ này, VNUK đã ngỏ lời tặng học bổng để mình được tiếp tục đam mê nghiên cứu Y Sinh.
Đối với mình, trải qua 2 năm vừa qua ở ngành Khoa học Y Sinh tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK) không chỉ đơn giản là những bài học nhảy đầu tiên cùng với y sinh và tế bào, mà còn giúp mình hiểu thêm được nên nhảy điệu nào là phù hợp. Khoa học Y Sinh là một mảng rộng – với nhiều phần nhỏ hơn mà ở VNUK, mình sẽ được hướng dẫn dần để tiếp cận với từng mảng nhỏ hơn ấy như Sinh học Tế bào, Sinh học Phân tử, Vi sinh vật học Ứng dụng,…
Môi trường học ở VNUK không giống những nơi khác. Ở VNUK, cách học tương tác và tự học luôn được ưu tiên. Nhờ các thầy cô thuộc khoa Khoa học Y Sinh (BMS) ở Viện nghiên cứu, cũng như các giảng viên trong ngành mà mình được học cách tự mày mò, tự đặt câu hỏi, tự tìm hiểu. Mình học được phương pháp tự nghiên cứu và tổng hợp thông tin từ giáo trình, những bài báo khoa học để chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Mình biết được phải chọn lọc thông tin, lựa chọn bài báo như thế nào là tốt và phù hợp. Mình được trải nghiệm những buổi làm việc nhóm, phối hợp và phân chia công việc ở môi trường học thuật. Mình học cách thích nghi với sự đổi thay, cách định hướng cho tương lai của mình với ngành BMS và thực hiện nó nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè.
 
Tương lai
Khoa học Y Sinh xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống thường ngày: thuốc, vaccines, dược phẩm, mỹ phẩm, các phương pháp chữa bệnh mới,… Tất cả đều nhờ những nghiên cứu từ Khoa học Y Sinh để trở thành hiện thực.
Có rất nhiều bạn thắc mắc, không biết liệu học Khoa học Y Sinh ở Viện VNUK thì sẽ làm gì sau khi ra trường. Thực ra, lựa chọn nghề cho các bạn sau này khi học Khoa học Y Sinh là rất đa dạng. Các bạn có thể tiếp tục học nghiên cứu thêm lên Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ trong hoặc ngoài nước. Các bạn có thể không học nữa mà xin làm việc tại các Viện Sinh học ở Việt Nam. Hoặc đối với một số bạn muốn được dấn thân sâu vào thực tiễn, bạn có thể trở thành các kỹ thuật viên ở các phòng lab tại bệnh viện, hoặc tại các công ty ứng dụng Khoa học Sinh học trên khắp Việt Nam.
Mình không thể vạch ra kế hoạch tương lai được cho tất cả những bạn muốn tìm hiểu về ngành này, vì tương lai là món quà dành riêng cho bạn. Nhưng mình có thể chắc chắn rằng Viện và thầy cô tại Khoa BMS sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn, định hướng mỗi khi bạn cần.
VNUK đối với mình không hoàn hảo. VNUK là một ngôi trường mới, và đôi lúc vẫn có những thiếu sót. Nhưng mình vẫn luôn tin vào sự thay đổi từng ngày của VNUK, cũng như chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì quyết định học Khoa học Y Sinh tại VNUK. Các thầy cô ở Viện, ở Khoa BMS và các giảng viên luôn sẵn sàng thay đổi, tương tác và giúp đỡ mỗi khi sinh viên cần. Mình nghĩ đấy mới là điều quan trọng nhất ở một trường đại học, chứ không phải sự hoàn hảo.
 
Arvind Gupta đã từng nói, “Sinh học là một ngành công nghệ vĩ đại nhất từng được tạo ra. Ở đấy, DNA là phần mềm, phần cứng là protein, và tế bào chính là những nhà máy chế tạo và vận hành sự sống” (1). Học Khoa học Y Sinh chính là thực hành từng bước nhảy để đến với các cơ chế nằm sâu bên trong tế bào và sự sống. Từ đấy, nghiên cứu ra được những phương pháp chữa bệnh, những vaccines ngừa virus, hay đơn giản hơn chỉ là tìm ra các cơ chế sinh học vẫn đang là một bí ẩn.
 
Đối với bạn, Khoa học Y Sinh có thể là điệu vũ cùng những tuyến nội tiết của cơ thể, hay các cơ chế phân tử liên quan đến DNA và protein. Riêng mình, mình hy vọng rằng sau khi thực hành xong điệu vũ cùng tế bào tại VNUK, một ngày nào đấy, mình sẽ tìm ra cơ chế cho những sự biệt hóa khác nhau của những tế bào cùng chung tế bào mẹ, để hiểu hơn về bệnh ung thư và những bệnh tự miễn ở con người.
Chú thích: (1) “Biology is the most powerful technology ever created. DNA is software, proteins are hardware, cells are factories.” – Arvind Gupta

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights