? Kỳ thực tập chính khóa luôn có một ý nghĩa và vai trò nhất định trên hành trình phát triển của mỗi bạn sinh viên suốt 4 năm Đại học. Và với mỗi ngành tại VNUK, thực tập lại mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội khác nhau để hiểu về thực tế ngành nghề bên ngoài chiếc ghế nhà trường và những trang sách vở.
? Với sinh viên ngành Khoa học Y sinh (BMS) tại VNUK, môi trường phòng thí nghiệm với các loại máy móc dùng để phân tích mẫu bệnh phẩm cùng nhiều câu chuyện xung quanh những loại virus gây bệnh lại mang đến cho VNUK-ers ngành này không những trải nghiệm làm việc dưới áp lực và cường độ cao, giúp sinh viên được cọ sát với nghề để nâng cao kiến thức thực tiễn, mà còn mang đến cho các bạn nguồn động lực to lớn để vững bước trong ngành – đó là y đức, lòng thương người và mong muốn được giúp đỡ bệnh nhân cùng sứ mệnh phát triển nền khoa học nước nhà.
? Trong kỳ thực tập năm 4, hai sinh viên VNUK của ngành Khoa học Y sinh là Trần Hữu Thiện và Nguyễn Thị Việt An – cùng là sinh viên khóa 2018 đã có cơ hội được tham gia thực tập ở vị trí Kỹ thuật viên xét nghiệm sinh học phân tử tại Trung tâm giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử, Bệnh viện ung bướu trung ương, Hà Nội. Trong quá trình thực tập, Hữu Thiện và Việt An đã có cơ hội được theo sát và hướng dẫn tận tình từ các anh, chị trong khoa để thực hiện những đề tài nghiên cứu vô cùng giá trị về ung thư phổi và ung thư cổ tử cung.
Thực tập xa nhà còn mang đến cho 2 người bạn này những trải nghiệm và kinh nghiệm rất quý giá. Đọc ngay bài viết dưới đây để lượm lặt cho bản thân thật nhiều bài học cả trong học tập lẫn trong cuộc sống nhé!
Hai bạn có thể giới thiệu đôi nét về vị trí thực tập của mình được không?
? Thiện:
Học kỳ vừa rồi, mình đã có những kỷ niệm thú vị khi được thực tập tại Trung tâm giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử, Bệnh viện ung bướu trung ương tại Hà Nội với vai trò là kỹ thuật viên xét nghiệm sinh học phân tử. Cơ hội thực tập này đến với mình như một cơ duyên khi được sự hướng dẫn và sắp xếp từ Khoa Khoa học Y sinh, VNUK.
Trong suốt kỳ thực tập, các công việc thường ngày của mình đa phần được chia ra và hoàn thành trong hai buổi sáng và chiều. Cụ thể hơn, trong buổi sáng sẽ tập trung nhận bệnh phẩm và sắp xếp chuẩn các mẫu bệnh phẩm để phục vụ cho quá trình xét nghiệm trong ngày. Sau đó, thực hiện tách chiết DNA từ các mẫu bệnh phẩm. Đồng thời, các mẫu bệnh phẩm có quy trình tự động được đưa vào các hệ thống máy móc để phân tích. Còn lại, các công việc trong buổi chiều sẽ tập trung phân tích các thay đổi di truyền của các mẫu DNA đã được tách chiết để cho ra kết quả. Cuối cùng, thu thập các kết quả phân tích. Và để hoàn thành chỉ tiêu và chất lượng công việc tại phòng xét nghiệm cũng yêu cầu những kỹ năng nhất định. Bên cạnh các kỹ năng chuyên ngành về việc sử dụng các thiết bị trong phòng thí nghiệm và kiến thức vững vàng, thì các kỹ năng mềm cũng không kém phần quan trọng. Bởi lẽ việc thực hiện các thí nghiệm cần rất nhiều công đoạn và phải phối hợp với các thành viên khác trong phòng thí nghiệm để kịp tiến độ hoàn thành và độ chính xác của từng xét nghiệm. Vì vậy, các kỹ năng mềm như hoạt động nhóm, kỹ năng giao tiếp và quản lý thời gian rất quan trọng.
? Việt An:
Kỳ thực tập 6 tháng vừa rồi, mình có cơ hội được trải nghiệm, học tập và rèn luyện tại bệnh viện ung bướu trung ương cơ sở Tân Triều, Hà Nội – một trong những cơ sở đầu ngành trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Con đường dẫn lối mình đến với viện K bắt đầu từ sự tò mò đối với căn bệnh ung thư và dần phát triển thành niềm đam mê của bản thân mình hiện tại. Mình đã từng thắc mắc làm thế nào một điều bình thường lại trở nên bất thường một cách không ngờ tới như vậy? Ung thư chính hậu quả của những điều bất thường phát sinh từ một cơ thể đang hoạt động bình thường của chúng ta. Thế nên mình bắt đầu tìm tòi, đào chỗ này, soi chỗ kia, cố gắng để hiểu những cơ chế sâu bên trong cơ thể, về cách mà cơ thể “giữ” cho chúng ta sống khỏe mạnh. Đương nhiên đọc và hiểu những kiến thức từ các bậc tiền bối, các nhà khoa học là điều tất yếu cơ bản, nhưng học phải đi đôi với hành, việc luyện tập trong phòng thí nghiệm cũng rất quan trọng. Và với sự giúp đỡ và tư vấn từ các thầy cô của khoa Khoa học Y sinh tại VNUK, mình đã lựa chọn bệnh viện ung bướu trung ương là đích đến trong chuyến hành trình của bản thân.
Tại đây, mình được tiếp xúc với cơ sở vật chất khang trang, công nghệ hiện đại được ứng dụng trong chẩn đoán lâm sàng và cả những anh chị tài giỏi, chuyên nghiệp. Mình được luyện tập từ các thao tác cơ bản nhất trong phòng thí nghiệm, đơn giản như cách cầm pipet đúng cách, cho đến các xét nghiệm phức tạp với các hệ thống máy móc khác nhau, có thể kể đến như: phát hiện đột biến EGFR trong ung thư phổi, phát hiện virus HPV từ mẫu dịch cổ tử cung, HBV/HCV từ huyết tương, và còn một số xét nghiệm sinh học phân tử khác. Mình cũng được hướng dẫn cách sắp xếp công việc một cách hiệu quả để có thể kịp thời trả kết quả cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, thông qua sự hướng dẫn tận tình của anh chị, mình tìm hiểu thêm các tài liệu liên quan và học cách áp dụng chúng vào giải thích các cơ chế, nguyên lý cơ bản của các xét nghiệm.
Vậy việc học trên trường đã giúp đỡ 2 bạn như thế nào trong công việc?
? Thiện:
Thực tế và lý thuyết là hai điều có phần khác biệt. Bên cạnh những kiến thức nền tảng được học tại trường thì để phù hợp với môi trường thì không những kiến thức và tư duy của bản thân cũng cần phải liên tục được cập nhật và rèn luyện. Trong suốt thời gian thực tập, kỹ năng xử lý tình huống là điều mà bản thân mình cần phải trau dồi hơn nữa. Bởi vì khi va chạm với môi trường thực tế thì không phải lúc nào cũng ở trong các điều kiện thuận lợi và kỹ năng xử lý tính huống là hoàn toàn cần thiết để kịp thời ứng biến.
? Việt An:
Các giảng viên mà mình từng theo học đã cung cấp những gì cơ bản nhất để xây dựng một nền tảng kiến thức giúp mình phát triển thêm những kiến thức sâu rộng hơn. Bên cạnh kiến thức, mình cũng được chỉ bảo những cách tìm kiếm tài liệu uy tín nhất, nên đọc như thế nào, nên hiểu như thế nào và nên áp dụng kiến thức đấy vào đâu. “Học thầy không tày học bạn”, sự trưởng thành trong 6 tháng này của mình còn có sự đồng hành của một người bạn hay cũng có thể gọi là một đồng nghiệp vì chúng mình thực tập tại cùng một đơn vị mà. Ngoài đóng vai trò là một người bạn, chúng mình cũng trao đổi kiến thức, giúp đỡ nhau trong công việc và cùng nhau trở nên tốt hơn.
Khi đã trải nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp, mình cảm thấy sẽ có những kiến thức mà khi áp dụng vào thực tế, chúng ta cần linh hoạt thay đổi. Kiến thức sách vở trong trường hợp này sẽ đóng vai trò nền tảng, vì khi làm việc tại bệnh viện, số lượng lớn bệnh nhân sẽ không tạo điều kiện cho chúng ta mày mò từng chút một, tốc độ và sự chính xác là hai yếu tố được ưu tiên.
Nói về đề tài thực tập của 2 bạn, điều gì đã truyền động lực để 2 bạn thực hiện đề tài nghiên cứu về ung thư phổi và ung thư cổ tử cung? 2 bạn có thể chia sẻ về quá trình thực hiện nghiên cứu được không?
? Thiện:
Đề tài khóa luận tốt nghiệp mà mình lựa chọn liên quan khảo sát đột biến EGFR và khám phá các mối tương quan giữa dạng đột biến này với một số yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ. Để từ đó tiếp nối thêm các hiểu biết hiện tại về ung thư phổi không tế bào nhỏ và là nghiên cứu bước đầu về khảo sát tỉ lệ của các dạng đột biến EGFR thông thường và hiếm gặp tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là kỳ thực tập xa nhà hàng tháng trời ở thủ đô Hà Nội nên các khó khăn là không thể tránh khỏi. Những thời gian đầu của kỳ thực tập luôn là giai đoạn khó khăn nhất, bởi lẽ vào lúc này ngoài việc hòa nhập vào môi trường làm việc thì việc cân bằng với cuộc sống sinh hoạt đều là những điều cấp thiết. Và hiển nhiên rằng bản thân phải tự mình vượt qua vì nếu không thì kết quả cuối cùng sẽ chẳng đi về đâu. Giờ đây, nhớ lại khoảng thời gian thực hiện đề tài thì những lúc là thu dữ liệu thông tin của bệnh nhân có lẽ là đáng nhớ nhất. Vì vào thời gian này, đôi lúc việc phải ở lại bệnh viện đến 8h tối để thu thập các số liệu phân tích là điều không thể tránh khỏi. Sợ ma lắm chứ nhưng nghĩ đến việc hoàn thành tốt bài để về sớm về nhà thì lại có động lực hơn mà cố gắng.
? Việt An:
Trong đợt thực tập này, vẫn là niềm đam mê với ung thư mà mình đã chọn ung thư cổ tử cung và virus HPV làm đề tài cho khóa luận tốt nghiệp. Bảo rằng không sóng gió là nói dối, kỳ thực tập có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời và cũng có đôi lúc thật sự bất ổn. Đối với mình, ung thư gây ra do một loại virus nào đó là một lĩnh vực dù không lạ nhưng khá là phức tạp. Thời điểm đầu lúc mới bắt đầu tìm hiểu sâu, mình cảm thấy rối tung rối mù, và đôi lúc rất chán nản. Mình nhận ra bản thân đã quá vội vàng khi cứ bắt ép bản thân phải hiểu tất cả mọi thứ trong thời gian ngắn, thế nên mình quyết định thay đổi phương thức từ chỉ đọc sang “ngâm cứu” cả video và sách báo. Việc học bằng hình ảnh rất có hiệu quả và dễ hình dung. Anh chị hướng dẫn luôn theo sát quá trình học tập và rèn luyện của mình, chỉ mình sửa chỗ này, bổ sung chỗ kia để hoàn thiện bài viết tốt nhất có thể. Anh chị cũng cung cấp rất nhiều tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để mình có thể nghiền ngẫm thêm. Các anh chị khác trong trung tâm giải phẫu bệnh và sinh học phân tử cũng rất thân thiện, dễ mến và là những người bạn, người chị tuyệt vời luôn quan tâm và động viên chúng mình. Gập ghềnh là thế nhưng đề tài này có thể được coi là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mình khi kết thúc 4 năm Đại học và bước chân vào trường đời. Ngoài ra, mong rằng đề tài này sẽ giúp mọi người có một cái nhìn nghiêm túc hơn đối với HPV và căn bệnh ung thư cổ tử cung vì điều quan trọng là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Sau 6 tháng làm việc, kỳ thực tập này có ý nghĩa như thế nào đối với 2 bạn?
? Thiện:
Ngoài những kiến thức và tư duy mới mẻ là hai điều mình gặt hái được, thì kỳ thực tập đáng nhớ này đã cho mình những hoạch định rõ ràng hơn về định hướng và cho mình tin tưởng hơn vào nội tại của mình. Và bản thân mình cũng sẽ khó lòng quên được và luôn trân trọng những kỷ niệm thú vị cùng những lời khuyên bảo chân tình từ các thầy/cô, anh/chị kính mến ở Trung tâm giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử, Bệnh viện ung bướu trung ương và cũng như tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng.
? Việt An:
Nếu dùng 3 từ để miêu tả kỳ thực tập này, mình sẽ mô tả nó “bất ổn” – “Hà Nội” – “tuyệt vời”. Có thể hiểu đây là một chuyến hành trình 6 tháng khá là bất ổn ở một số ít điểm tại thủ độ nghìn năm văn hiến nhưng có thể tổng kết bằng sự tuyệt vời từ con người, không khí làm việc, sự học tập và sự lớn lên.
2 bạn có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên khóa sau để có một kỳ thực tập ý nghĩa không?
? Thiện:
Tinh thần và ý chí là những điều tiên quyết cần chuẩn bị. Việc giữ mình trên một đường thẳng là điều quan trọng, và khi bị mất phương hướng thì giá trị cốt lõi là điều mình luôn mong muốn được tìm về. Vì vậy trước khi đi thực tập thì các bạn cần phải hiểu rõ về đơn vị thực tập, và hiểu rõ bản thân mong muốn điều gì, để từ đó nỗ lực và phấn đấu không ngừng trong 6 tháng để gặt hái được quả ngọt cho bản thân.
? Việt An:
Mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau, thế nên dù có là trải nghiệm tốt hay xấu, bản thân cũng nên cố gắng hết mình vì độ tuổi đôi mươi chính là thời điểm đẹp nhất để các bạn quan sát, học hỏi và trưởng thành. Đừng vì một ngày không đẹp trời mà tắt nắng trong lòng. Khi các bạn đã xác định được mong muốn của bản thân, hãy vạch kế hoạch rõ ràng và cứ chầm chậm chắc chắn mà bước, mỗi người sẽ có một nhịp điệu khác nhau và bạn không cần phải đuổi theo ai cả. Văn vở thế thôi chứ mình nghĩ về cơ bản các bạn nên nắm vững những kiến thức mà bản thân tiếp thu được từ trường lớp, vì đó chính là nền tảng. Và một khi đã quyết định làm một chuyến xa nhà vài tháng, hãy cân nhắc kỹ lưỡng mức sống ở nơi mà bạn đến vì nó sẽ liên quan trực tiếp đến những chi phí nhà cửa, điện nước, đi lại, ăn uống của bạn. Đi xa nhà chính là lúc trải nghiệm nhưng cái gì cũng nên có chừng mực để bạn tự bảo vệ bản thân tốt nhất. Bạn có thể hỏi ý kiến từ những người xung quanh để có thể hình dung cơ bản những gì bạn cần chuẩn bị cả về tinh thần lẫn vật chất. Đi xa để trở về mà, cứ thế mà bước rồi quay về với một phiên bản tốt nhất nhé!