
Công nghệ Nano là gì
Công nghệ nano là ngành học về quá trình tổng hợp, chế tạo các vật liệu ở kích thước vô cùng nhỏ 10-9 m (một phần tỷ mét). Sợi tóc của chúng ta có độ dày trung bình bằng 1/10 milimet, trong khi vật liệu nano lại nhỏ hơn 1 triệu lần so với 1 mm. Có thể nói, công nghệ nano đánh dấu sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 3 trên thế giới, kể từ những năm 1950 trở đi. Ngày nay, khi công nghệ nano phát triển gần như mỗi ngày, ngành nghề này lần nữa khẳng định vị thế tiên phong trong thời đại số 4.0. Và với tốc độ phát triển cũng như vai trò của lĩnh vực này, công nghệ nano trở thành một ngành nghề khát nhân lực ngay tại những quốc gia đang phát triển như Hoa Kỳ, hay các quốc gia châu Âu.
Ứng dụng của công nghệ Nano
Thật không ngoa khi nói rằng khi công nghệ nano được khám phá, thế giới dường như mang một diện mạo mới. Nếu trước đây, một chiếc nhẫn vàng được chúng ta nhìn nhận với những giới hạn của nguyên liệu vàng thì giờ đây, với khả năng bóc tách đến nano-mét, khả năng con người tái tạo và chuyển hóa các nguyên vật liệu trong tự nhiên là vô hạn.
Bởi khả năng và ứng dụng kì diệu đó, nghiên cứu và phát triển công nghệ nano là dự án trong mục ưu tiên bậc nhất của chính phủ Hoa Kỳ. Báo cáo gần đây nhất của dự án này đã chỉ ra, công nghệ nano thực sự cải thiện và thậm chí cải cách một vài lĩnh vực tiêu biểu như Công nghệ Thông tin, An ninh quốc phòng, Y Sinh Dược học, Giao thông, Năng lượng, An toàn Thực phẩm và nhóm Khoa học Môi trường và rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống và công nghiệp
Một ví dụ khác của công nghệ Nano trong đời sống hằng ngày phải kể đến là các thiết bị đeo trên người (wearable devices) – như đồng hồ thông minh cho đến các thiết bị cảm ứng trên cơ thể. Chính vì kích thước siêu nhỏ của vật liệu nano, việc thiết kế nên những sản phẩm công nghệ cũng nhẹ nhàng, gọn gàng hơn và tích hợp được các tính năng tối tân hơn để theo dõi và cảm ứng với nhịp tim, thân nhiệt nhằm hỗ trợ và cải thiện tối đa sức khỏe người tiêu dùng.
Que thử thai và gần đây nhất, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, kit test nhanh vi rút Corona là những ứng dụng cao cấp hơn của công nghệ nano vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Một số loại thuốc đời mới cũng đã ứng dụng công nghệ nano nhằm vận chuyển thuốc đến đúng tế bào đang có bệnh hơn là phân tán đều khắp cơ thể như ngày xưa. Trong tương lai gần, vật liệu nano sẽ tham gia vào hầu hết các quá trình của y sinh và dược phẩm…
Trong nông nghiệp, vật liệu nano nổi lên như là xu hướng cho sự phát triển bền vững khi chúng đang dần dần được phát triển để thay thế các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Bên cạnh đó việc sử dụng công nghệ nano vào nông nghiệp còn giúp thúc đẩy quá trình quang hợp cây cối tăng năng suất mùa vụ. Mặt khác, các cảm biến dinh dưỡng và độ ẩm kết hợp hệ thống điều khiển tự động đã giúp con người tiết kiệm được tối đa lượng nước và phân bón sử dụng trong quá trình trồng trọt. Vật liệu và công nghệ nano còn được ứng dụng trong quá trình thu hoạch, sau thu hoạch cũng như chế biến thực phẩm, đóng gói, tăng hương vị, lưu trữ và vận chuyển.
Các loại vật liệu nano carbon được phát triển và ứng dụng vào chế tạo loại áo chống đạn hiệu quả hơn, nhẹ hơn và mỏng hơn so với các loại thông thường dùng sợi Kevlar. Trong công nghiệp, công nghệ nano được ứng dụng nhiều cho lĩnh vực xúc tác nhằm thay thế dần các xúc tác cổ điển độc hại và đắt đỏ hơn. Các vật liệu tiên tiến có thể sử dụng trong pin, pin mặt trời, các thiết bị thu nhận và tích lũy năng lượng hydro từ phân cắt nước, mô phỏng hệ thống quang hợp của cây xanh, hấp phụ khí độc, khí gây hiệu ứng nhà kính . . .
Có thể thấy, với công nghệ nano, các phát minh và sáng tạo sẽ là vô biên và ngày càng tinh vi. Vậy chúng ta cần trả lời, ai sẽ là người nắm bắt được cơ hội và gia nhập đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực đổi mới và đầy tiềm năng này?
Tại Việt Nam, mặc dù chúng ta chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với các sản phẩm liên quan đến công nghệ nano như ở Hoa Kỳ hay các nước phát triển nhưng nếu bạn là một người đam mê khoa học công nghệ, ắt hẳn bạn đã từng nghe nói tới “công nghệ lọc nano” hay “màng lọc nano lưới bạc” … Đây chính là khả năng sử dụng vật liệu nano trong sản xuất các thiết bị gia dụng như máy lọc nước, máy điều hòa nhằm mang lại lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng mà các nước Châu Á phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang đầu tư rất mạnh. Dù không phát triển như các quốc gia khác, Việt Nam chúng ta đã bắt đầu tiếp cận và đón đầu xu hướng công nghệ này.
Lợi thế của lĩnh vực này chính là ở tính đa ngành đặc thù và khả năng ứng dụng linh hoạt của công nghệ nano. Sinh viên tốt nghiệp có thể tự định hướng cho mình lĩnh vực việc làm phù hợp theo sở thích. Là một ngành triển vọng và đòi hỏi trình độ tri thức cao, mức lương trung bình của các nhân viên trong lĩnh vực này khá cao với mức lương khởi điểm có thể đạt trên 12 triệu đồng. Đi kèm với mức lương, cử nhân ngành nano thường được tuyển dụng vào các vị trí Nghiên cứu và Phát triển trong các công ty công nghệ. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ngành nano cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm được các học bổng sau đại học hơn các ngành học khác.
Về mặt kinh tế xã hội, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã và đang tích cực mở rộng thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ cao liên quan đến công nghệ nano. Hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung và LG cũng đã xúc tiến các động thái mở rộng đầu tư và sản xuất ở Đà Nẵng. Thêm vào đó các công ty trên địa bàn như Danaphar, Trung Nam EMS, Phúc Tất Đạt, Bo Việt, Vinanotech, CVI Pharma,…đã có một sự dịch chuyển lớn trong định hướng sản xuất từ công nghệ cũ sang ứng dụng công nghệ nano. Như vậy trong thời gian ngắn hạn tới đây, cơ hội và nhu cầu đối với nhân lực ngành nano là rất lớn. Từ những nhu cầu thực tế đó, sinh viên tốt nghiệp ngành nano có thể có được việc làm với mức lương và vị trí tốt ngay tại quê hương mà không cần phải đi xa như trước đây.
Cơ hội là cử nhân công nghệ Nano đầu tiên tại miền Trung, Đà Nẵng
Là một trường Đại học lấy nghiên cứu khoa học làm gốc và thực tiễn xu hướng thị trường để phát triển, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng (VNUK) luôn tiên phong giới thiệu và đào tạo các ngành học có tính ứng dụng cao nhất thế giới. Hiện nay, VNUK là trường Đại học duy nhất tại Việt Nam giảng dạy Cử nhân ngànhKhoa học Y Sinh và cho ra đời các lớp sinh viên ưu tú đang học tập sau đại học hoặc trao đổi tại các quốc gia phát triển.
Nhận thấy sự cấp thiết của ngành học Công nghệ Nano tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng, trong hai năm qua 2021- 2022, đội ngũ giảng viên hùng hậu trong lĩnh vực này tại VNUK đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để mở ngành và đã nhận được sự chấp thuận của Đại học Đà Nẵng để đào tạo ngành Công nghệ Nano bậc cử nhân. Do đó, ngành Công nghệ Nano tại VNUK trở thành chương trình đào tạo Nano đầu tiên tại miền Trung và thành phố Đà Nẵng. Là một tổ chức giáo dục với mạng lưới đối tác toàn cầu, chương trình đào tạo của VNUK mang tính kế thừa cao, lấy sinh viên Việt Nam làm trung tâm và định hướng phát triển theo lộ trình đào tạo của các quốc gia phát triển trên thế giới.
Ngoài ra, với đặc thù của một trường Đại học Công lập Quốc tế, sinh viên VNUK được giảng dạy bằng tiếng Anh, đảm bảo khả năng hội nhập quốc tế trong suốt 4 năm đại học và sau khi ra trường. Với bộ kỹ năng làm việc của thời đại, ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn vững chắc, cử nhân Công nghệ Nano tốt nghiệp tại VNUK hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh so với mặt bằng chung của thị trường lao động.
Vậy thì, nếu bạn là một người đam mê Khoa học Công nghệ, yêu thích khám phá và sáng tạo những phát minh cho cộng đồng, tại sao không nắm lấy cơ hội này để trở thành Cử nhân đầu tiên của một trường Đại học Công lập Quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ Nano? Liên hệ chúng mình để biết thêm chi tiết nhé.