Nhìn lại TALKSHOW: THẾ HỆ Z BỨT PHÁ SỰ NGHIỆP TRONG THẾ GIỚI BÌNH THƯỜNG MỚI

VNUK >Hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp >Nhìn lại TALKSHOW: THẾ HỆ Z BỨT PHÁ SỰ NGHIỆP TRONG THẾ GIỚI BÌNH THƯỜNG MỚI

Trong buổi talkshow “Thế hệ Z bứt phá sự nghiệp trong thế giới bình thường mới” diễn ra trên nền tảng online do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh tổ chức vào ngày 17/07/2021. Với sự xuất hiện của 5 chuyên gia, là những vị khách mời đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và giáo dục, thì một bức tranh đa chiều đã được vẽ lên cho người xem có thể thấy những chiều khác nhau của câu chuyện ngành nghề trong thời đại 4.0 hiện nay. Hãy cùng VNUK điểm lại những chia sẻ hữu ích của 5 diễn giả qua bài viết sau. 

Xu hướng phát triển nghề nghiệp trong thế giới “bình thường mới” là gì?

Anh Lê Quốc Thái – một người với bề dày kinh nghiệm tư vấn chiến lược và quản lý thương mại quốc tế, cũng chính là người dẫn chương trình. Anh đã mở đầu câu chuyện về những điều mà các em thế hệ Z phải đối mặt trong thế giới “bình thường mới”: Theo các diễn giả, xu hướng phát triển nghề nghiệp hiện nay là như thế nào? 

Chia sẻ về vấn đề này cả 5 diễn giả đều đồng tình rằng nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã và đang phát triển với tốc độ vũ bão. Cùng với đó, cách mạng công nghiệp 4.0 nổ ra và lan tỏa ngày càng rộng ở trên toàn thế giới thì một số ngành nghề được dự đoán đang dần bão hòa và sẽ biến mất trong thời gian tới. Song song với đó, một số nhóm, lĩnh vực khác cũng sẽ vươn lên trở thành top công việc mà nhà nhà – người người sẽ theo đuổi. 

Bản thân là một người khởi nghiệp, anh Thống Lê Anh Tuấn, Founder & CEO – Selly.vn | Cashbag.vn luôn phải liên tục tìm hiểu định hướng về xu hướng thị trường cho công ty phải đổi mới liên tục. Theo anh Tuấn: “Không khó để nhận ra về xu hướng thị trường trong thời gian đến, đặc biệt là sau Covid, những ngành gắn liền với chữ Online sẽ có nhu cầu cao về nhân lực như thương mại điện tử, marketing online, công nghệ thông tin, KOL…” Mở rộng hơn về chữ “Online”, anh chia sẻ thêm nó không chỉ đơn thuần là công việc online mà còn là công cụ online. 

Những thách thức nào phải đối mặt trong thế giới “bình thường mới”? 

“Có 2 thách thức mà ta phải dũng cảm nhìn nhận. Thứ nhất là thế giới đang thay đổi rất là nhanh, với tốc độ chuyển hóa về số, về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà nếu không bắt kịp xu hướng đó thì bản thân sẽ rất hoang mang. Chính vì lẽ đó, không những chúng ta cần phải biết thay đổi mà còn phải tiến hóa cùng với thời cuộc. Thách thức thứ hai đấy chính là các bạn phải thật sự lắng đọng lại và hiểu được chính mình. Bởi lẽ khi mà vũ trụ gửi mỗi người đến với thế giới đầy thì đều gửi gắm một sứ mệnh riêng.” Lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu Hằng, với vị trí Country Category Director tại Unilever đã mang đến suy ngẫm cho các em học sinh về việc lựa chọn con đường tương lai. 

Cùng chia sẻ với vấn đề trên, anh Nguyễn Hạ Long, Giám đốc Marketing tại Thái Samsung Electronics, cho hay cụm từ “thế giới phẳng” đúng hơn bao giờ hết tại thời điểm hiện nay. Mặc dù thế giới đã “phẳng” rồi việc nhưng điều này sẽ mang cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Bởi “sự cạnh tranh không chỉ đến những bạn đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn đến từ bạn bè quốc tế”. Tuy nhiên, chúng ta là những người vô cùng may mắn được sinh ra trong “thời đại phẳng” này. Mọi thứ không có khoảng cách nửa, việc của bạn là cưỡi lên làn sóng toàn cầu hoá và khai thác tối đa các nguồn lợi từ Internet. Chỉ cần chúng ta muốn thì chúng ta làm được.

Bên cạnh dưới cái nhìn của học sinh, chị Tracy Trang Bùi với vị trí Global Expansion – Associate Director tại Tập đoàn ELSA lại mang đến suy ngẫm cho phụ huynh về những thách thức nghề nghiệp cho các con rằng: “Chúng ta đã có cuộc cách mạng 1.0, 2.0, 3.0 và bây giờ là 4.0, với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt như thế này thì trong tương lai làm sao chúng ta có biết được liệu sẽ còn cuộc cách mạng mới nào nữa không? Ở vị trí là bố mẹ, trong khả năng rất cao sau 10 đến 20 năm nữa thì phụ huynh sẽ không thể hiểu hết được những nghề mà con cái mình đang làm. Nhưng hãy tin tưởng rằng nếu công việc đó đem lại giá trị cho cuộc sống và giúp con mình hài lòng, vui vẻ, thoải mái thì bạn ấy đang làm việc có ích cho xã hội này.”

Làm sao để định hướng và phát triển lộ trình nghề nghiệp?

Làm thế nào để tìm được ngành thích hợp cho con? Có lẽ là câu hỏi mà các bậc phụ huynh luôn gặp khó khăn để tìm câu trả lời. Chia sẻ về vấn đề này chị Nguyễn Thị Thu Hằng khuyên rằng phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con cái được hiểu chính mình, thật sự tìm được thế mạnh của mình. “Bởi sẽ không có một câu trả lời nhất định nào là thế giới này đi về đâu, mà hãy tập trung động viên, khuyến khích các con trải nghiệm thật nhiều. Hãy khuyến khích các con tham gia cùng quyết định.” Có một điều mà ba mẹ cần biết rằng là trường đại học cho các con một nền tảng nhất định, còn khi ra đời thì tất cả các con sẽ được đào tạo và huấn luyện lại. Những không sao cả, “VNUK cũng như các trường đại học khác sẽ giúp các con xây dựng một nền móng vững chắc, để sau này ngôi nhà càng được bồi đắp thêm, xây lên cao hơn. Và đặc biệt là hãy tìm một môi trường tạo được sự thuận lợi cho các con, thầy cô phải có trình độ cao và thật tâm huyết thay vì ngôi trường số đông, được nhiều người theo học.”

Anh Thống Lê Anh Tuấn cũng có lời chia sẻ rất thú vị khi nói về hành trình khởi nghiệp của bản thân: “Một trong những bước ngoặt cuộc đời là biết Tuấn mạnh về cái gì để mình tập trung vào phát triển thế mạnh đó”. Còn về phía phụ huynh, có một điều mà đa số bậc làm cha mẹ luôn mắc phải là khuyên con mình học nhiều kiến thức một lúc. Nhưng chính lời khuyên đó sẽ khiến con cái không thể đầu tư vào phát triển thế mạnh nhiều mà phải kéo dài thêm thời gian.”

Tiếp theo lời anh Tuấn, chị Tracy Trang Bùi cũng có những chia sẻ dưới góc nhìn riêng của mình rằng: “Để giúp cho các em hiểu biết nhiều hơn, tiếp cận được với nhiều kiến thức và có nhiều cơ hội trong cuộc đời hơn, thì khả năng ngôn ngữ như Tiếng Anh hoặc một loại ngôn ngữ phổ biến là thật sự cần thiết.” Nhưng khả năng ngôn ngữ như thế nào thì mới đủ, chị Tracy nói thêm: “Không nhất thiết phải lấy một bài kiểm tra quốc tế để làm tiêu chuẩn, mà hãy đặt câu hỏi rằng khi nào tôi có thể sử dụng một ngôn ngữ khác bằng 80% tôi sử dụng Tiếng Việt. ”

Với anh Nguyễn Hạ Long, dù học gì đi chăng nữa thì Đại học chính là nền tảng giúp cho người học có khả năng tự học sau này. Chính vì vậy chúng ta cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào các thầy cô sẽ giúp cho mình có một cái nghề sau khi tốt nghiệp. Bởi vì “sự thay đổi diễn ra nhanh như vậy thì chuyện mình học ngành gì vào lúc này thì 5 năm sau sẽ không còn đúng nữa, nên nếu mình có khả năng tự học thì lúc đó mình sẽ tiếp nhận được cái mới dễ dàng hơn”. Chia sẻ tiếp theo của anh Long về sự cam kết cho lộ trình nghề nghiệp: “Nếu đã chọn theo đuổi một điều gì thì hãy cứ thử và cố gắng cho hết mình, cho đến khi mà bạn thật sự cảm thấy nó không còn thích hợp nữa thì mình sẽ thử một cái mới. Bởi nếu chỉ vì thấy chán mà đổi liên tục thì con đường nghề nghiệp của mình không được thống nhất và phát triển.” 

Các diễn giả tại buổi talkshow hôm 17.7

“Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cả. Bất kể ở độ tuổi nào thì bạn cũng nên tăng cường trải nghiệm và mài dũa bạn thân vì mục tiêu phát triển bản thân”. Ở độ tuổi này các bạn học sinh có thể tham gia nhiều câu lạc bộ, diễn đàn học hỏi hoặc hoạt động tình nguyện. Càng trải nghiệm nhiều thì sẽ cho bạn càng nhiều hạt giống và đến lúc đủ nắng thì sẽ nở thành hoa, thành trái ngọt cho cuộc đời này. “Công thức thành công thì không khó, miễn là bạn dám dấn thân.”

Với những bạn chưa kịp xem chương trình vào ngày 17.7, các bạn có thể xem lại bản thu ở ngay dưới đây nhé:

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights